Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH BỆNH SỞI HIỆN NAY

Bệnh sởi (Measles) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh là vi rút sởi thuộc nhóm Morbilivirus, họ Paramyxoviridae, có khả năng gây dịch do bệnh lây dễ dàng qua đường hô hấp. Những người thuộc thế hệ trước hầu hết đều đã từng bị mắc bệnh sởi và có miễn dịch bền vững suốt đời với bệnh sởi. Từ năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em để phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan vi rút B, viêm não Nhật Bản B... đã được triển khai trên phạm vi cả nước và đã đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B … giảm hẳn.Bệnh sởi sau đó chỉ còn xuất hiện lẽ tẽ và mang tính tản phát ở một số địa phương có tỷ lệ trẻ tiêm phòng thấp. Tuy nhiên ở thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, số bệnh nhân mắc bệnh sởi có sự gia tăng một cách đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.Riêng tỉnh Bạc Liêu là 123 cas mắc bệnh sởi, trong đó Huyện Đông Hải 52 cas (năm 2018: 17/45 cas, đầu năm 2019: 35/78) chiếm 42,2% trên tống số cas bệnh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhân mắc sởi năm nay chủ yếu trẻ em trong độ tuổi từ 01 - 10, một số lượng nhỏ bệnh nhân trong độ tuổi 20 - 30, ở chiều ngược lại chúng tôi cũng gặp những bệnh nhân chưa đầy 9 tháng tuổi (do người mẹ chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa từng bị sởi nên không có kháng thể để bảo vệ trẻ trong 9 tháng đầu đời). Khi hỏi tiền sử tiêm chủng, gần như tất cả các bệnh nhân đều chưa được tiêm vacxin phòng bệnh sởi hoặc mới tiêm được một mũi, lý do vì:

- Gia đình ít quan tâm đến lịch tiêm chủng của trẻ.

- Đến ngày tiêm chủng trẻ bị ốm.

- Tâm lý chủ quan vì đã lâu bệnh sởi không xuất hiện.

- Gia đình đi làm ăn xa

- Lo ngại biến chứng do tiêm chủng có thể xảy ra với con cháu mình, nhất là sau khi các thông tin về một số trẻ bị tử vong sau khi tiêm vacxin được đăng tải rộng rãi trên nhiều kênh truyền thông.

 

Một số triệu chứng lâm sàng chính của bệnh sởi là:

- Sốt cao.

- Viêm đường hô hấp gây hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở…; viêm  đường tiêu hóa gây tiêu chảy; viêm mắt gây phù mi mắt, chảy nước mắt, dử mắt nhiều, chói mắt, cộm mắt…

- Phát ban dạng sởi đặc trưng giúp chẩn đoán bệnh sởi trên lâm sàng: Ban sởi điển hình có màu hồng, to bằng cánh bèo tấm, sờ mịn, nổi gờ trên mặt da, ban mọc theo thứ tự từ mặt, cổ đến thân mình rồi tay chân. Khi ban bay cũng theo thứ tự trên và để lại những vết thâm da hổ, khi khỏi bệnh da sẽ lành hoàn toàn, không để lại sẹo hoặc vết thâm.

 

 

       Một số khuyến nghị để phòng chống bệnh sởi có hiệu quả:

         - Phòng bệnh đặc hiệu:

+ Các bậc cha mẹ cần đưa con em trong độ tuổi tiêm phòng sởi đi chủng ngừa đủ 2 mũi vacxin sởi theo hướng dẫn của ngành y tế dự phòng. Khi được tiêm phòng đủ 3 mũi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững với bệnh sởi.

+ Trạm y tế xã, thị trấn, nhân viên y tế thôn, xóm nắm được danh sách trẻ cần tiêm phòng sởi để vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm phòng đạt tỷ lệ cao.

         - Phòng bệnh không đặc hiệu:

+ Đối với cộng đồng: cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết của mọi người về kiến thức nhận biết và phòng chống bệnh sởi, vệ sinh môi trường sống tại khu dân cư, trường học, cơ quan. Kịp thời phát hiện các cá nhân bị sởi để cách ly điều trị, tránh lây lan cho nhiều người, nếu phát hiện có nhiều người bị sởi trong cơ quan, trường học cần báo ngay cho cơ quan y tế để tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, bao vây dập dịch.

  • + Đối với cá nhân: Cần giữ gìn vệ sinh mũi họng, bàn tay bằng cách nhỏ mũi, súc miệng nước muối hoặc chất sát trùng, rửa tay bằng xà phòng. Mỗi người nên mang khẩu trang khi ra đường hoặc đến các cơ sở y tế, dinh dưỡng hợp lý và luyện tập nâng cao thể trạng. Khi có các triệu chứng nghi sởi cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn chăm sóc, điều trị, tránh lạm dụng thuốc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng. Cho bệnh nhân sởi ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý bổ sung thêm vitamin A để tăng cường sức đề kháng và tránh biến chứng khô mắt, loét giác mạc.

 

Ngoài ra: Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung:

 

1. Đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắcxin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắcxin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ./.

Trần Thị Việt Thùy


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết