Kiến thức y khoa
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuẩn Bacillus cereus gây ngộ độc nguy hiểm thế nào

Khuẩn Bacillus cereus, một trong những “thủ phạm” khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, có thể gây nhiễm trùng tiêu hóa, trường hợp nặng nguy cơ nhiễm trùng huyết.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang trên 8 mẫu thức ăn tại trường Ischool Nha Trang, nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh nhập viện, một trẻ tử vong, cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm.

Ngày 23/11, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM, cho biết vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.

Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4 đến 48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28 đến 35 độ C. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

“Điều quan trọng thức ăn chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tiếp tục sinh sôi, tiết ra độc tố gây độc (nếu thức ăn này đã nhiễm Bacillus cereus trước đó)”, bác sĩ Khanh nói. Thực phẩm càng bẩn, bảo quản và chế biến không tốt, thì càng dễ ngộ độc. Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu…

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), do có mặt khắp nơi trong môi trường, Bacillus cereus dễ nhiễm sang nhiều loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Khuẩn này được tìm thấy trên nhiều loại thực phẩm như thịt, ngũ cốc, rau, sữa, bánh pudding, súp… Ngộ độc thường xảy ra khi thực phẩm nấu và bảo quản không đúng cách, để lâu trong điều kiện nhiệt độ vi khuẩn dễ sinh sôi, sản sinh độc tố.

Vi khuẩn Bacillus cereus. Ảnh: Food Safety News

Vi khuẩn Bacillus cereus. Ảnh: Food Safety News

Để phòng tránh, bác sĩ Vy khuyến cáo mọi người thường xuyên vệ sinh lau rửa tủ lạnh sạch sẽ. Thực phẩm nấu xong nên ăn liền hoặc để nơi thoáng, sạch, không để thực phẩm sống và chín gần nhau.

Người dân không dùng thức ăn bị ôi thiu. Thực phẩm đã nấu chín không nên để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ, đặc biệt là thịt. Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, nên vứt bỏ vì việc hâm nóng cũng không thể giúp đảm bảo an toàn. Hâm nóng thức ăn từ 74 độ C trong hơn 15 giây, bởi nếu chỉ hâm cho đến khi vừa bốc hơi là không đủ để vô hiệu hóa độc tố.

Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dụng cụ nấu bếp và các bề mặt vật dụng nhà bếp cần sạch sẽ, nên rửa xà phòng, xả nước nhiều lần cho sạch; rửa chén bát bằng nước nóng và xà phòng.

Khuẩn Bacillus cereus từng gây nhiều vụ ngộ độc lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Năm 2020, thức ăn từ cơ sở bán đồ chay ở Đà Nẵng bị nhiễm E. coli, Staphylococus aureus và Bacillus cereus, khiến 230 người bị ngộ độc. Trước đó, hàng chục trẻ mầm non ở Cần Thơ cũng nhập viện do ăn phở và sữa chua nhiễm Bacillus cereus. Một chàng trai 20 tuổi ở Bỉ từng suy gan, tử vong vì ăn món mì ống đã để 5 ngày, chứa lượng lớn vi khuẩn này.

Nguồn: Chi cục an toàn thực phẩm An Giang.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết